Thời gian gần đây, việc truy thu thuế đối với các chủ shop kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada… đang được triển khai quyết liệt. Đặc biệt, là danh sách dài những người nợ thuế bị công khai trên truyền thông và cấm xuất cảnh. Điều này, đã làm cho cộng đồng kinh doanh online lo lắng về làn sóng truy thu thuế kinh doanh online.

Quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng rất nhanh, tới 2025 ước đạt 52 tỷ  USD - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Cơ quan thuế đã xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng. Trong số các trường hợp bị cơ quan thuế xử lý vi phạm về thuế có gần 28% là doanh nghiệp, hơn 72% là cá nhân. Việc kiểm tra, kiểm soát bán hàng online sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý trong trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp có xu hướng thông qua sàn thương mại điện tử, hoặc tự sử dụng các mạng xã hội, tự lập kênh livestream để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng. Điều này đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, khi mà nhiều giao dịch không được lập hóa đơn, hoặc lập hóa đơn không đầy đủ, dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Các giao dịch trực tuyến cũng diễn ra rất nhanh và khó kiểm soát hơn so với các giao dịch truyền thống. Lợi dụng điểm này, nhiều cá nhân đã tìm mọi cách để trục lợi.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Bộ Tài chính cũng cho biết đang nghiên cứu giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: yêu cầu tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để siết quản lý bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng online xuất hóa đơn điện tử với 100% giao dịch. Việc này nhằm từng bước kiểm soát hóa đơn đầu vào, khai và nộp thuế từ khâu sản xuất đến lưu thông, hay nhập khẩu, bán hàng.

Tại Điều 4, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo pháp luật về Thuế GTGT và thuế TNCN. Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu có doanh thu bán hàng online 100 triệu đồng/năm.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.

Hai phương pháp kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân phổ biến là phương pháp khoán và phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán, theo khoản 1, Điều 7, Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai đồng thời không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. Trên thực tế, trừ trường hợp bán hàng qua các sàn thương mại điện tử thì phần lớn các hộ, cá nhân bán hàng online đều nộp thuế theo phương pháp này.

Đối tượng nộp thuế theo phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân: Đối tượng áp dụng phương pháp tổ chức khai, nộp thuế thay cho cá nhân là trường hợp bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Shopee, Tiki, Lazada,… được quy định cụ thể tại điểm d, khoản 1, Điều 8, Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, Điều 1, Thông tư 100/2021/TT-BTC: “Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự”.

Như vậy, đối với trường hợp trên, tổ chức thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo tháng hoặc theo quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tại khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN và số thuế GTGT mà hộ, cá nhân bán hàng online được xác định theo công thức: “Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x tỉ lệ thuế TNCN”.

Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0.03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách Nhà nước.

Việc truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế, các năm 2021, 2022, 2023 các cá nhân, đơn vị kinh doanh online đã được cơ quan thuế làm việc đề nghị giải trình và đưa vào diện theo dõi và truy thu số tiền thuế giai đoạn trước.

Mặc dù ngành thuế đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc thất thu thuế đối với kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn rất cao. Bởi việc, quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp do tính mới và phổ biến của nó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay