Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025.

Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2024-2025 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học mới, cả nước gần 54.000 cơ sở giáo dục. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động là hơn 1,6 triệu người.

Năm nay, các đơn vị tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường, gồm hai phần:

Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước…;

Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khai giảng tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu,

vào sáng ngày 5/9. Ảnh: Giang Huy

Tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, học sinh từ lớp 1 đến 9 háo hức chờ lễ khai giảng. Đây là cơ sở giáo dục đặc biệt với gần 160 học sinh khiếm thị.

Từ 6h30, trường ngập cờ, hoa. Thầy trò phấn khởi vì hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ khai giảng. Khoảng 7h50, Thủ tướng có mặt trong tiếng vỗ tay của 1.500 học sinh

Năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 25 triệu người học, trong đó hơn 23 triệu ở bậc mầm non và phổ thông. Học phí các cấp từ 8.000 đến 220.000 đồng một học sinh mỗi tháng, tùy địa bàn. Đây là năm đầu tiên trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí.

Tại TP HCM, hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non đến trường trong thời tiết dịu mát, nhiệt độ khoảng 26 độ C.

Có mặt ở trường từ lúc 6h30, Thanh Duyên, học sinh lớp 7, trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, háo hức vì được học ở ngôi trường mới.

“Đã tham quan một vòng từ hôm tựu trường nhưng em vẫn thích thú”, Duyên cho biết. THCS Bình Trị Đông B là một trong 23 trường học mới được đưa vào sử dụng năm nay của thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thành phố đã chi hơn 540 tỷ đồng mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn có chỗ học. Trong bối cảnh dịch sởi lan rộng, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, yêu cầu nhà trường nắm danh sách học sinh đã tiêm vắc xin sởi, từ đó có kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho các em ngay những ngày đầu năm học mới.

Toàn ngành giáo dục có hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là năm học quan trọng khi cả nước hoàn tất chu trình thay chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình được triển khai cuốn chiếu, áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 5, cấp THCS đến lớp 9, cấp THPT đến lớp 12.

Ngành giáo dục đứng trước thử thách đổi mới đồng bộ các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, từ khâu giảng dạy tới ra đề, tổ chức tuyển sinh và xét tuyển phù hợp. Ngoài ra là những bài toán cũ, đã tồn tại dai dẳng, như thiếu giáo viên, quản lý dạy thêm, học thêm…

Bên cạnh đó, dự án Luật nhà giáo, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10, thông qua vào năm 2025, được kỳ vọng giúp nâng cao vị thế; tạo hành lang pháp lý cho các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, khen thưởng… giáo viên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay