Giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh. Mức tăng giá này, theo EVN, là để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt
bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh.
Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh.
Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh
Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh
Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh
Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo công bố chính thức điều chỉnh tăng giá điện – Ảnh: VGP
CPI tăng khoảng 0,04%
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho hay: cơ sở tăng giá điện là theo Quyết định 05 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, mức tăng sẽ cao hơn nhưng Chính phủ đã thực hiện cân đối hài hòa, giảm thiểu ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Với khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200kWh/tháng trở xuống có 17,4 triệu hộ (31%), thì mỗi tháng sẽ tăng thêm là 13.800 đồng/tháng. Mức tăng này không ảnh hưởng lớn. Mức sử dụng điện trên 200 – 300 kWh/tháng, tăng bình quân 32.000 đồng; với hộ sử dụng điện từ 300 – 400 kWh/tháng, mức tăng thêm là 47.000 đồng; các hộ sử dụng từ 400 kWhtrở lên là 62.000 đồng.
Với khách hàng kinh doanh dịch vụ, 547.000 khách hàng, mỗi hộ trả bình quân tăng là 247.000 đồng. Còn với hộ sản xuất là 1,921 triệu khách hàng, mức tăng này thì sẽ làm tiền điện tăng lên 499.000 đồng/tháng; khách hàng xí nghiệp là 691.000 khách hàng, tăng thêm 91.000 đồng.
Trả lời về việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI) như thế nào, ông Nam cho biết, sau khi tăng giá điện lần này, CPI sẽ tăng khoảng 0,04%. Đây là mức thấp nhất đã được Chính phủ và các Bộ, ngành cân đối.
Hộ nghèo tiếp tục được hỗ trợ
Ông Nguyễn Xuân Nam cũng chia sẻ, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.